Bắt đầu từ năm 2011, khi Intel cho ra đời dòng vi xử lý Sandy Bridge và nối tiếp tới hiện nay, để có thể ép xung một cách chính thống được Intel cho phép. Thì người dùng phải chấp nhận mua một CPU có hậu tố K (ví dụ i5 2500K) và một Mainboard dòng Z hỗ trợ ép xung các vi xử lý này. Đây là một điều không mấy thích thú với người dùng, đặc biệt là các Ocer hoặc những người yêu thích công nghệ, bởi trong số đó không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính và nhu cầu mua những sản phẩm kể trên do giá thành đắt đỏ.
Ở một số thời điểm nhất định, một vài hãng (hoặc Intel lúc đó chưa cấm) vẫn phát hành những bản BIOS cho phép ép xung các CPU non K. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, Intel lập tức yêu cầu các hãng update ngay bản BIOS khóa chức năng ép xung CPU non K (disable BCLK overclocking ) cho các dòng Mainboard non Z. Đầu tháng 2 / 2016, Intel đã phát hành một bản cập nhập không cho phép ép xung các vi xử lý non K, buộc các hãng sản xuất phải tuân theo. Ví dụ như hình bên dưới các bạn thấy hãng Main ASRock thời điểm đó đã update bản BIOS khóa chức năng ép xung đối với các vi xử lý non K với dòng chữ mô tả: Remove Sky OC Function.
Tất nhiên, ban đầu người dùng vẫn có thể mua các dòng vi xử lý cũng như bo mạch chủ cấp thấp hơn để ép xung bằng việc từ chối update các phiên bản BIOS có chức năng khóa ép xung. Nhưng dường như Intel đã cao tay hơn khi tính năng ép xung này đã ngừng hoạt động, nhất là đối với các bo mạch chủ xuất xưởng sau, việc này hoàn toàn là dễ hiểu khi các hãng sản xuất Mainboard không muốn làm phật lòng một ông lớn như Intel. Nhưng ASRock thì lại không nghĩ vậy, họ đã nghĩ ra một cách để ngăn chặn và lách vấn đề không cho phép ép xung đối với các Mainboard non Z và CPU non K.
Cách thức mà Asrock làm rất sáng tạo, đó là cấy thêm vào Mainboard một con chip tạo xung bên ngoài (external clock generator ) để vượt qua những hạn chế về ép xung mà Intel đã đặt trên nền vi xử lý Skylake của họ. Về cơ bản, chúng ta có thể hiểu chức năng của con chip tạo xung mà ASRock đặt trên các Mainboard của họ sẽ phá hỏng cơ chế không cho phép OC CPU non K Skylake của Intel, tất nhiên BIOS vẫn phải cho phép. Chưa kể, tính năng này sẽ cho phép bạn tăng xung nhịp của bộ vi xử lý trong từng bước với mỗi lần là 0,0625 MHz vượt qua giới hạn thiết lập là 1Mhz như của Intel. Thời điểm đó, chỉ duy nhất các dòng bo mạch chủ Hyper của ASRock mới có thể ép xung được non K một cách chính thống mà không bị Intel tuýt còi.
6 năm sau, Intel một lần nữa lại khiến giới mộ điệu công nghệ dậy sóng, khi “ngầm” cho phép một số bo mạch chủ có khả năng ép xung các vi xử lý Intel Gen 12 non K. Cách đây ít ngày, tay chơi công nghệ nổi tiếng thế giới là Der8auer đã lên một clip chia sẻ về quá trình ép xung thành công vi xử lý Intel Core i5 12400 lên 5,2GHz thông qua việc tinh chỉnh BCLK bằng bo mạch chủ ASUS Z690 APEX và Hero. Điều này cho thấy, Intel sẵn sàng bổ sung thêm những tính năng vốn bị chặn lại ở đời trước nhằm cạnh tranh với AMD một cách sòng phẳng về mặt hiệu năng.
Mình cũng tranh thủ test nhanh qua khả năng ép xung của vi xử lý Intel Core i5 12400 xem có đúng như lời đồn không? Kết quả là đồn như thật, khi vi xử lý Intel Core i5 12400 của mình có thể đạt mức xung nhịp ~ 5,3GHz với BCLK đạt mức 132MHz, voltage 1,37V chạy Cinebench R23 cho kết quả 16.176 pts.
Clip thực tế ghi lại quá trình kiểm nghiệm của mình ở bên dưới.
Mình đã thử trên hệ thống LN2, tuy nhiên BCLK của vi xử lý Intel Core i5 12400 của mình bị Wall ở mức 138MHz, cho nên chỉ đạt mức xung nhịp là 5,52GHz.