Giới thiệu
Tản nhiệt được coi là thành phần quan trọng và rất cần thiết cho một hệ thống PC. Với sự tiến bộ về công nghệ của các vi xử lý, các hãng sản xuất tản nhiệt cũng đã cho ra đời hằng hà sa số các sản phẩm tản nhiệt trải dài từ phổ thông tới cao cấp. Mặc dù trong những năm gần đây, các loại tản nhiệt AIO tăng vọt về mức độ phổ biến. Tuy nhiên, giá cả những loại này khá đắt đỏ so với mặt bằng chung, chưa kể trong một số trường hợp gây rò rỉ khi hoạt động, tuổi thọ không quá cao của nhiều dòng sản phảm. Do đó, tản nhiệt khí vẫn có nhiều đất diễn, nhất là những hệ thống PC chủ đạo.
Với nhiều người đang cân nhắc mua một hệ thống PC để làm việc, nhưng chi phí hầu bao không cao, cần sự ổn định lâu dài, nhất là vấn đề nhiệt độ. Do đó cần phải xem xét các yếu tố như giá cả, hiệu suất và thiết kế của hệ thống đó. Và dù như thế nào, thì việc lựa chọn một tản nhiệt mang yếu tố hiệu năng/giá cả là thứ phải được tính toán.
Ở phân khúc chủ đạo, các bộ máy văn phòng hoặc trong tầm giá 15-20 triệu, đặc biệt là những bộ máy Xeon chuyên chạy giả lập luôn hiện diện dòng tản nhiệt “quốc dân” Cooler Master T400i hoặc Jonsbo CR-1000 RGB. Đây là hai sản phẩm tản nhiệt có hiệu quả cao trong dòng tản bình dân, trong khi đó mức giá bỏ ra khá hời khi chưa tới 400K là đã có thể sở hữu. Mặc dù vậy, vẫn có những sản phẩm tản nhiệt giá rẻ trên thị trường mang lại hiệu năng/giá thành rất đáng để cân nhắc.
Ngày hôm nay mình sẽ đánh giá bộ tản nhiệt cho CPU ở phân khúc phổ thông đến từ SSTC với mã sản phẩm AC3H92RGB. Dòng sản phẩm này có tính thẩm mỹ hợp lý và giá thành khá phù hợp, thích hợp cho các bộ máy Gaming hoặc làm việc cơ bản sử dụng các vi xử lý Core i5/i3 hoặc một số vi xử lý Xeon V3/V4 trong tầm giá 20-25 triệu đổ về.
Tản nhiệt SSTC-AC3H92RGB
Vỏ hôp nhỏ gọn với tông màu trắng cam, thông tin và hình ảnh của sản phẩm được in đầy đủ, bao gồm cả xuất xứ lẫn thông số kỹ thuật và khả năng hỗ trợ hệ thống.
SSTC-AC3H92RGB được thiết kế theo đúng dạng tháp điển hình, trong đó lá tản nhiệt được kết hợp với các ống dẫn nhiệt hình chữ U kéo dài về hai phía của mặt đế tiếp xúc với CPU. Kích thước của tản nhiệt khi lắp đặt là 100 (W) x 65 (L) x 123 (H) mm. Với kích thước này thì SSTC-AC3H92RGB thoải mái được lắp đặt hầu hết trên các hệ thống PC cơ bản.
Sản phẩm trong bài viết có 3 ống dẫn nhiệt (Heatpipe) mạ niken đường kính 6mm được gia công để tiếp xúc trực tiếp với bề mặt CPU. Hầu hết các tản nhiệt thuộc phân khúc chủ đạo đều sử dụng phương pháp tản nhiệt này. Các ống dẫn nhiệt và lá nhôm tản nhiệt được kết nối bằng phương pháp ép khít cơ bản.
Mặt trên của tản nhiệt được hoàn thiện bằng một lớp vỏ nhựa cứng màu đen có in logo Cá Mập mang lại cảm giác sạch sẽ và cứng cáp. Đồng thời các núm che mặt trên của ống dẫn nhiệt cũng được trang bị. SSTC-AC3H92RGB đi kèm với một quạt LED RGB với đường kính 92x92x25 mm, hỗ trợ chức năng PWM và hoạt động ở tốc độ lên đến 2.200 RPM. Đây là loại quạt Hydraulic Bearing, mang lại khả năng hoạt động êm hơn và bền hơn nhờ quạt có khả năng tự bôi trơn tốt so với các loại quạt Sleeve Bearing.
Phụ kiện đi kèm bao gồm bộ gông cài đặt cho hệ thống AMD & INTEL (bao gồm cả việc hỗ trợ socket LGA1700 mới nhất), gói keo tản nhiệt.
Hệ thống PC thử nghiệm
- Intel Core i9 12900K
- Bo mạch chủ Z690 Steel Legend Wifi 6E
- Bộ nhớ RAM Kingston Fury Renegade 2x8GB bus 4600MHz
- SSD Western Digital 750 500GB
- PSU Cooler Master MWE 750W Bronze
- Tản nhiệt SSTC-AC3H92RGB
- Keo tản nhiệt Cooler Master Gel Pro
- Win 10 21H1 và các phần mềm như Cinebench R23, CPU-Z, HWInfo
- Hệ thống được đặt trên benchtale và nhiệt độ môi trường 26 độ.
Kết quả thực tế
Intel đưa ra ba biến kĩ thuật có thể được điều chỉnh để tăng cường sức mạnh của nhiều thế hệ vi xử lý gần đây- được gọi là PL1 và PL2 và Tau.
- PL1 (Power Limit 1) = TDP, hai giá trị này thường được định nghĩa như nhau, là mức tiêu thụ điện năng ở trạng thái ổn định và dài hạn lẫn hiệu quả của các vi xử lý. Ví dụ i9-10900K có TDP là 125W thì PL1 sẽ là 125W. Giá trị PL1 là giá trị thấp nhất.
- PL2 (Power Limit 2) ngược lại với PL1, nó mang tính chất ngắn hạn và chỉ mức giá trị tối đa đạt được trong một thời gian ngắn hạn nhất định của các vi xử lý. Các vi xử lý sẽ sử dụng chế độ Turbo lên đến tối đa giá trị của PL2 được quy định. Do đó, mức giá trị PL2 cao hơn PL1 rất nhiều và thường được áp dụng theo công thức PL2 = TDP * 1.25.
- Tau được hiểu như là một biến thời gian. Có nghĩa là mức thời gian mà vi xử lý ở trong chế độ PL2 trước khi chuyển sang chế độ PL1. Do là biến thời gian nên nó không phụ thuộc vào nhiệt độ của vi xử lý.
Như vậy, như title đã nói, để cân kèo sòng phẳng được Intel Core i9 12900K khi mở giới hạn Power Limit thì quả thật là một điều không tưởng đối với tản nhiệt trong bài viết ngày hôm nay, bởi nếu mở giới hạn tối đa và tải nặng bằng Prime95 hoặc tương đương thì Core i9 12900K có thể load tới 280W. Do đó, mình đã chỉnh trong BIOS giá trị PL1 = PL2 = 125W của Intel Core i9 12900K để có thể đưa ra cái nhìn trực quan nhất đối với sản phẩm tản nhiệt này.
Kết quả ở idle thì vi xử lý Intel Core i9 12900K trên bo mạch chủ Z690 Steel Legend Wifi 6E cho thấy phần CPU Package chỉ ~30W, nhiệt độ rất mát.
Khi chạy stress test bằng Cinebench R23, kết quả CPU Package thể hiện giá trị ở HWInfo min là 125W và Max là 127W, sát với giá trị PL được set trong BIOS. Nhiệt độ lúc này đạt min 82 và max 84 độ C.
Tiến hành đo nhiệt độ hoạt động khi tải nặng bằng Cinebench R23 của sản phẩm bằng công cụ FLIR Pro, nhiệt độ bên ngoài cho thấy khá mát mẻ.